top of page

Trò chuyện với Dương Trần Là vì... Thiết kế kiểu chữ

Đầu năm nay, VAN•HOA sử dụng bộ font LAVISHE cho thiết kế “Chúc mừng năm mới” mở màn năm 2024, đồng thời có dịp gặp gỡ và trao đổi với tác giả designer Dương Trần về lĩnh vực thiết kế kiểu chữ (Type Design) - đặc biệt đầy thử thách với ngôn ngữ Tiếng Việt. 


Trong địa hạt của ngành Thiết kế đồ hoạ tại Việt Nam, Dương Trần hiện là một tên tuổi đang thu hút nhiều sự chú ý, đặc biệt từ khi anh ra mắt bộ font PHUDU. PHUDU đang là bộ font được ưa chuộng trong nhiều mẫu thiết kế, và chạm đến những kết quả ấn tượng khi được sử dụng trên hơn 4.000 websites trên toàn cầu.  





Sau nhiều năm thai nghén và chỉnh sửa, Dương Trần đã giới thiệu bộ font chính thức trên Future Fonts - là LOES, và gần đây là LAVISHE - bộ font mà VAN•HOA đã sử dụng trong thiết kế mở đầu năm mới 2024. Trong bài viết này, VAN•HOA được trò chuyện và thảo luận sâu hơn với Dương Trần về đam mê, thực hành thiết kế và những góc nhìn về thiết kế type.  


Theo dõi và đăng ký sử dụng các bộ font mới nhất của Dương Trần tại đây: https://www.futurefonts.xyz/duong-tran




1. Giới thiệu ngắn gọn về bản thân và công việc? 


Dương Trần: Nếu để mô tả về công việc của bản thân thì em hay dùng những câu: “Visualize story and make emotional letters.” (Tạm dịch: "Hình tượng hóa câu chuyện và thổi hồn vào những con chữ.")



2. Lý do lựa chọn ngành thiết kế, đặc biệt là theo đuổi Type Design? 


Dương Trần: Dài dòng một chút thì khi học lớp 10, em mua một cái máy Sony khá là xịn, nhưng em không thích cái giao diện 3D đó lắm, kiểu cứ có gì đó thiêu thiếu. Khi đó em dùng Android, họ có tính năng cho phép thay đổi và chỉnh lại giao diện cho phù hợp. Đến tận lớp 12, em vẫn chưa được biết đến ngành design. Cho đến khi FPT Arena đến trường giới thiệu chương trình giáo dục, thì em mới nhận ra việc em thích làm với điện thoại thuộc về ngành công nghệ đa phương tiện. Đúng thời điểm đó trường cũng có sự chuyển dịch trong ngành nghề, nên em được bố mẹ đồng ý cho theo học khóa Thiết kế đồ hoạ của trường Greenwich.  

 

Việc đến với Type Design thì cũng là một sự tình cờ. Cuối năm thứ 2 em bắt đầu đi làm. Ban đầu thì em làm thiệp cưới, nhưng khi mọi người không đọc được thiệp cưới hoặc cảm thấy nó không ra được đúng cái cảm xúc mong muốn thì em mới bắt đầu tìm hiểu về cảm xúc của layout, của con chữ.  

 

Đến khi làm đồ án tốt nghiệp, em cũng muốn khác người một chút, nên em cố ý tìm một chủ đề lạ, chọn typography và làm luôn một cuốn sách. Trong lúc làm đồ án, thì cô giáo có tư vấn là: mình có Tiếng Việt, tại sao không làm bật nó lên? Sau đó em mới tìm được trang Vietnamese Typography của chú Donny Trương.  

 

Từ đó em mới thấy tiếng Việt của mình rất hay, và càng tìm hiểu sâu thì lại thấy ngành đồ hoạ ở nước mình, thiếu nhất là các font - lúc đó hầu hết là các font nước ngoài được Việt hoá. Hơn nữa hầu như là không có bản quyền. Với em đấy là một thị trường rộng mở mà ít người làm.  

 

Thật ra em vẫn cảm thấy em là người đang thực hành và thử nghiệm các con chữ (Type Explorer, Type Practitioner) chứ chưa dám tự nhận là nhà thiết kế kiểu chữ (Type Designer). Nếu mà chính thức làm type, làm font thật sự thì chắc mới bắt đầu từ 2021, và những gì em làm với dấu Việt cũng được học từ trang của chú Donny Trương. 



a. Dương từng chia sẻ về việc hợp tác với VAN•HOA vì ấn tượng với chữ "a" trong logo của VAN•HOA. Liệu có câu chuyện nào tương tự - như vì một chi tiết rất đắt mà khiến Dương mong muốn theo dõi và để tìm hiểu các câu chuyện về nó?



Sharp Type


Dương Trần: Có. Đầu tiên là Sharp Type. Chữ “S” của nó khá lạ, khác biệt hẳn so với các hình ảnh em đã từng lướt qua trên hàng chục trang Pinterest hay Google, có thể vì đó là shape dạng viết tay rồi đồ lại. Và không chỉ lạ, mà em còn thấy có cảm tình với nó.  

Có một bên nữa, gần đây em khá thích, nó là LoveFrom. Về logo của họ thì rất đơn giản nhưng nó có một dấu phẩy rất tinh. Khi tìm hiểu câu chuyện thì mới biết dấu phẩy này là cả một câu chuyện về sự tiếp nối, cởi mở, và kiểu chữ của LoveFrom cần có cảm xúc và tính mộc mạc trong nó nên nó được làm thành một font riêng cảm hứng từ Baskerville.






b. Đến nay Dương Trần dường như lao động rất năng suất, công bố hẳn 2 bộ font LOES và LAVISHE, bên cạnh bộ font PHUDU. Các bộ font được Dương thực hiện một mình hay có đội làm cùng? 


Dương Trần: Thật ra là LOES đã bắt đầu được lên ý tưởng từ tháng 11/2021, nên phải ra mắt đi chứ ủ mãi thì chúng nó lên men mất.  Lúc đầu LOES dự định là sẽ ra free, nhưng đến tháng 4/2022 thì phải đổi một mạch sang design mới vì em nhận ra cái cũ không hiệu quả và không có lợi ích cho người dùng. Cũng vì việc đổi font này mới sinh ra PHUDU làm phương án quảng bá bản thân.  

 

Hiện chỉ có một mình em làm thiết kế toàn bộ. Sáng đi làm ở công ty công nghệ, tối về “vẽ chữ”. Vì coi type design là đam mê, nên khi làm nó thì em vẫn tính là nghỉ ngơi. 



c. Vì sao lựa chọn phát hành 2 bộ font trên nền tảng Future Fonts? 


Dương Trần: Em có gửi các bộ font tới nhiều xưởng chữ (type foundry) khác nhau. Thật ra trước LOES, em có thử gửi một bộ Sans Serif được làm vào cuối tháng 12. Tuy nhiên bộ đó bị từ chối vì “công nghiệp quá” - kiểu như một khuôn mẫu được xuất hiện ở mọi nơi, và đối với họ điều này sẽ không tốt để xây dựng công đồng thiết kế chữ. Vì cộng cộng đồng cần những người thực sự đào sâu để làm cái mới lạ, khác biệt hẳn. 


Khi gửi bộ LAVISHE, em cũng phải sưu tập những thiết kế xưa từ tem cho tới biển bảng, và phân tích cho họ thấy ở Việt Nam chưa có nhiều kiểu Glyphic/Incised Serif đến thế, và đó là mục tiêu chính khi em quyết định làm bộ này. Sau đó mới mô tả về những chi tiết hiếm gặp và ngẫu hứng làm được trong quá trình. Đến nay LOES và LAVISHES đều đang được phát hành trên nền tảng này.  


Không biết tương lai em có thể hợp tác với foundry khác không, vì em vẫn là cái tên rất là bé trên thế giới, nhưng mà em nghĩ Future Fonts là nền tảng duy nhất em sẽ hợp tác. Một phần họ chịu cho chơi, một phần họ là nền tảng cho phép xây dựng cùng nhau để tạo ra những foundry độc lập mới để thị trường đa dạng hơn. 



d. Cảm hứng thiết kế cho bộ LAVISHE đến từ đâu? 


Dương Trần: Ý tưởng cho LAVISHE đến cũng khá là tình cờ. Trong lúc em vẽ nhiều chữ và phần chân chữ, tự nhiên em kéo hai cái điểm vào thì tự nhiên thấy nó đẹp đẹp, nhìn hay hay. Sau đó em mới thử tìm hiểu xem đấy gọi là kiểu gì thì mới biết đấy không phải là serif bình thường. 

Kiểu chân không ra chân, thẳng không ra thẳng đấy có thể gọi tên là Incised hay Glyphic. Thuật ngữ này không xuất hiện nhiều ở Việt Nam, và kiểu chữ này cũng không phổ biến lắm so với các kiểu khác, vì nó là con lai của serif và sans serif, và thư viện font dành cho designer Việt Nam hiện tại cũng đang thiếu loại này.  

 

Thường vẽ xong em mới đặt tên cho bộ font, vì với em cái tên khá quan trọng. Ban đầu em đặt tên là “Là vì”, kiểu “là vì thế này, nên tôi làm thế này”. Em mới chơi chữ “Là vì SHE” - là vì “cô ấy” nên tôi làm thế này - và thành ra tên cuối cùng được đặt là LAVISHE 





Bộ font LAVISHE được sử dụng cho mục tiêu “Display” 



e. “Nét chữ nết người”. Nếu LAVISHE là một con người thì theo Dương đó là một người như thế nào? 


Dương Trần: LAVISHE chắc sẽ là một người con gái có sự cân bằng về ngoại hình và tính cách, sắc sảo nhưng vẫn đủ nhẹ nhàng. Ví dụ như chữ “a”, em cố tình làm nó mềm ở phía trong, ở bên ngoài em thì làm sắc để cân bằng lại. 


Chữ "a" trong bộ font LAVISHE



g. Thiết kế type Tiếng Việt có lợi thế gì so với type nước khác không, khi chữ viết của chúng ta có tận 3 tầng dấu? 


Dương Trần: Cá nhân em, nghĩ tích cực thì lợi thế là font tiếng Việt tự nhiên có dấu lạ hơn hẳn so với các font khác, nên nhìn thôi cũng biết đây là font tiếng Việt. Và phải làm thành bộ font thì mới có thể tạo ra lợi ích và cơ hội công việc cho người type designer người Việt, ở Việt Nam - khác với cách thức ở nước ngoài đa phần là để máy tự động đặt dấu, khiến các dấu và mũ bị sai vị trí, hoặc không được tinh chỉnh cho việc hiển thị.  

 

Ví dụ như É và Ế - thì sẽ cần tinh chỉnh lại về kích thước và vị trí của dấu sắc trong mỗi trường hợp, để tổng thể cân bằng và nhìn rõ chữ.  



h. Liệu quá trình làm dấu có phải là thử thách lớn nhất khi thiết kế font tiếng Việt không? 


Dương Trần: Càng làm thì em thấy việc làm dấu không phải vấn đề, chủ yếu là việc duy trì trong quá trình sử dụng. Tức là việc generate dấu sẽ ảnh hưởng các chữ cái khác, ví dụ: nó có thể liên quan đến khoảng cách nói chung của cả bộ font. Nếu không cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ thiết kế hay texture của bộ font.  

 

Còn làm dấu thì em cũng đã xây dựng được công thức của mình. Thường là cho các chi tiết rất nhỏ như kiểu dấu ngã sẽ hơi dịch sang một tí để cân bằng thị giác, hay là dấu huyền, dấu sắc đặt ở đâu thì sẽ không bị “đổ”. 



i. Với kinh nghiệm thiết kế trong các môi trường khác nhau, từ vị trí là làm trong agency, tới nay là thiết kế in-house trong một start-up công nghệ, góc nhìn của Dương về việc thực hành thiết kế đã thay đổi như thế nào? 


Dương Trần: Làm in-house sẽ hơi mới với em, vì công việc sẽ lặp đi lặp lại, khác với khi làm agency là mình làm một bộ nhận diện có hướng dẫn sử dụng, gửi đi là xong, Sau đó thì thường mình có hướng dẫn thì cũng khó để khách hàng có thể duy tri. Tuy nhiên khi làm in-house thì em mới thấy là người làm agency hay studio cần phải hiểu và cố gắng nhìn nhận sâu để cái thiết kế đấy được ứng dụng. Điều này thì một phần là do lưu tâm, còn một phần là do kinh nghiệm. 

 

Ít nhất là phải xem nhiều, theo dõi những công ty lớn, họ có năng lực thuê nhiều thiết kế giỏi nhưng vì sao thỉnh thoảng hình ảnh vẫn có lỗi.  Đôi khi là do không hiểu nhau, hoặc có sự thay đổi trong nhân sự và designer cần thời gian để tiếp thu bộ nhận diện của họ.  

 

Cá nhân em cũng vậy. Khi chưa hiểu thì “bung lụa” hết, nhưng khi hiểu thì sẽ tiết chế lại để phù hợp với nhu cầu. Đôi lúc để thay đổi được thì cần thời gian và kinh nghiệm để kết hợp nhuần nhuyễn được với nhau.  



k. Dự định sắp tới của Dương Trần là gì? 


Dương Trần: Em đã một cái tên riêng cho type foundry của mình, và cũng muốn dần xây dựng được một website riêng để showcase các công việc và các bộ font nhà làm (home-cooked type) của mình trên đó.  

 

Thật ra em còn mong được biết đến không chỉ với hình ảnh là người thiết kế kiểu chữ (Type Designer), dù thật sự phần lớn thời gian của em đang tập trung cho việc này.  

Mong rằng sẽ có cơ hội thử sức ở nhiều các lĩnh vực khác nữa.  





Trong thời gian hợp tác cùng VAN•HOA Creative, anh cũng được trao tặng biệt danh “Ông hoàng vẽ chữ” vì sự đam mê và tỉ mỉ đối với từng chi tiết, đường nét của mỗi con chữ. 



3. Featuring works của Dương Trần tại VAN•HOA 



a. Get On Hanoi




b. Vietnam Day @ Switzerland 




c. VAN•HOA Website Layout 





4. Reference




Bảng chữ cái Việt Nam - cảm hứng để thiết kế logo VAN•HOA 

(Nguồn ảnh: Sakura Montessori International School) 





0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page