Trưa ngày mồng 4 Tết, để xoa dịu chiếc dạ dày đã óc ách với thịt mỡ dưa hành, bánh chưng nem rán, không có gì mướt môi hơn một bát bún thang với nước canh thanh ngọt giản dị, mà vẫn thật ngon mắt với đủ màu sắc “ngũ hành” của tiết hội năm mới. Vốn nằm trong danh mục những món ăn đặc sắc của xứ kinh kỳ, nhưng lạ thay bún thang dường như ít được bày bán phổ biến như nhiều thức quà bún khác của người Hà Nội.
Xuất phát điểm là một món ăn để “tái chế” lại những gì còn sót lại của 3 ngày Tết, bún thang không có một công thức nhất định. Nhà có gì dùng nấy. Vì thế mà nguyên liệu trong bát bún rất đa dạng, có khi lên tới con số 20 tuỳ vào việc người nội trợ quyết định sử dụng lại những gì trong tủ lạnh.
Việc điều tiết và cân bằng giữa rất nhiều nguyên liệu trong món ăn lại phụ thuộc vào nước dùng, vốn được ninh từ xương gà từ trong Tết, bổ sung thêm sá sùng và tôm khô.
Nước dùng bún thang trông thì đơn giản với có màu trong, nhưng có vị ngọt thanh êm ái. Thế mà chỉ cần thêm một muỗng mắm tôm nhỏ và chút ớt cay, hương vị như được thổi bùng lên. Ngoài ra, để tăng hương vị, người ta cũng thường bỏ thêm rau răm và nấm hương thái nhỏ. Những sự kết hợp tưởng như không liên quan lại khiến ai cũng phải xuýt xoa trầm trồ về khẩu vị tinh tế và sành ăn của các cụ ngày xưa.
Dù không có tiêu chí cố định nào về nguyên liệu để làm bún thang, nhưng những nguyên liệu đặc trưng không thể thiếu thường là: thịt gà xé nhỏ, giò thái chỉ, và đặc biệt là trứng tráng mỏng tang với sắc vàng tươi rói, mang lại cảm xúc vui tươi cho bát bún.
Các nguyên liệu tất cả đều được thái sợi, xếp lên trên lớp bún thành từng lớp, từng phần mà theo đánh giá của nhà văn, nhà báo Vũ Bằng viết trong cuốn “Miếng ngon Hà Nội” là “một bức họa lập thể có những màu sắc rất bạo mà lại ưa nhìn trông vui mà lại quý.”
Chỉ là một món ăn giản dị, được sử dụng từ những nguyên liệu “còn thừa”, nhưng lại có thể mang lại trải nghiệm hương vị tinh tế như thế. Từng có những lúc tưởng như thất truyền khi số lượng cả hàng bán bún thang chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đến nay, một số doanh nhân ẩm thực thế hệ trẻ đã và đang đưa món “bún thang” vào thực đơn và qua đó tạo được sức hút cho cửa hàng.
Trong nhiều nền văn hoá ẩm thực trên Thế giới, cũng có rất nhiều món ăn ngon được sinh ra từ cách thức “tổng hợp” và “tái chế” như bún thang. Trong đó phổ biến nhất thông qua phim ảnh hẳn cần phải kể đến trường hợp của món cơm trộn Hàn Quốc - Bibimbap. Giờ đây món ăn này không chỉ xuất hiện trong căn bếp gia đình, mà còn ở hầu hết các quán ăn Hàn Quốc, cũng như được nhiều người trên Thế giới ưa chuộng. Mong rằng với hương vị đặc sắc của mình, món bún thang cũng sẽ được phát triển theo nhiều phương thức mới, và nức tiếng không kém những người chị em trong nền văn hoá bún phở của Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
Sách “Miếng ngon Hà Nội” - Vũ Bằng
https://thanhnien.vn/bun-thang-tinh-hoa-am-thuc-cua-ha-noi-1851401239.htm
Comments