Đằng sau mỗi dự án của VAN•HOA là cả một hành trình đầy cảm hứng về cách phát triển tư duy sáng tạo và áp dụng những triết lý thiết kế. Bước vào dự án RMIT Alumni Green Business Showcase lần này, đội ngũ VAN•HOA không chỉ có dịp khai phá những ý tưởng mới, mà còn mở ra hành trình đan xen giữa nghệ thuật và tính bền vững, cũng như kết nối với những người bạn đồng hành mới để đạt đến mô hình tuần hoàn và bền vững. Thiết kế tuần hoàn không phải là một khái niệm đơn giản, nó đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ của nhiều bên tham gia, từ những ý tưởng ban đầu cho đến hành động thực tiễn.
Từ việc áp dụng tư duy thiết kế theo phương pháp CIRCO (Hà Lan) đến xây dựng concept Green Spiral, mỗi bước đi của VAN•HOA giống như một vòng xoắn ốc, từng chút từng chút mở ra những chiều sâu mới, khẳng định rằng sáng tạo không chỉ để trưng bày, mà còn để thay đổi cách nhìn nhận tương lai.
Điểm chạm đầu tiên: Tư duy tuần hoàn từ CIRCO Design
Trong bối cảnh các hoạt động marketing và quảng cáo thường tiêu tốn lượng lớn nguyên liệu và tạo ra nhiều rác thải, tư duy bền vững trở thành một giải pháp cấp thiết. Đặc biệt đối với hoạt động tổ chức sự kiện, mỗi sáng tạo đẹp đẽ và các quầy kệ công phu, hầu như đều trở thành rác tải ngay sau khi kết thúc. Đứng trước bài toán này, đội ngũ VAN•HOA đã tìm thấy chiếc la bàn mang tên CIRCO – một phương pháp tiếp cận giúp “gỡ rối” mê cung của thiết kế tuyến tính truyền thống.
CIRCO là một sáng kiến từ Hà Lan và được giới thiệu tại Việt Nam thông qua Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn thông qua cách tiếp cận mới mẻ trong thiết kế và sản xuất. Đây không chỉ là một phương pháp, mà là một hệ tư duy buộc bạn phải nhìn mọi thứ qua lăng kính của vòng đời – từ khởi đầu, phát triển, sử dụng cho đến tái chế và tái sinh.
Dưới lăng kính của thiết kế tuần hoàn, chúng mình đã cùng nhau bóc tách từng nguyên tắc của CIRCO. Những câu hỏi nối tiếp nhau được đặt ra: “Chất liệu này sẽ được tối ưu hoá sử dụng như thế nào?”, “Liệu booth này có một ‘hậu trường xanh’ sau sự kiện?”, “Làm sao để thiết kế truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp phát triển bền vững?” Từng câu hỏi tưởng như đơn giản ấy chính là chìa khóa mở ra những sự lựa chọn quan trọng: từ cách chọn gỗ đến vải, từ kiểu lắp ráp cho đến việc giảm thiểu lãng phí tối đa.
CIRCO không chỉ mang lại cảm hứng, mà còn đặt ra áp lực, nhưng đó là áp lực tích cực. Áp lực ấy giúp đội ngũ không “trượt chân” vào lối mòn cũ mà luôn giữ vững mục tiêu: biến thiết kế thành một công cụ thay đổi, không chỉ cho sự kiện mà cho cả những người trải nghiệm nó.
Green Spiral bước ra từ những vòng xoáy của tự nhiên
Khi đã có trong tay chiếc la bàn CIRCO, đội ngũ cần một ngọn hải đăng để định hướng cho toàn bộ dự án – và Green Spiral ra đời. Hình ảnh vòng xoắn ốc, tưởng như quá quen thuộc từ những vỏ ốc hay dải ngân hà, bỗng hóa thành biểu tượng đầy sức mạnh khi được đặt trong bối cảnh của thiết kế tuần hoàn.
Chúng mình nhìn vào vòng xoắn không chỉ như một hình dạng trong tự nhiên, mà như một cách để kể câu chuyện của chu kỳ phát triển. Vòng xoắn ốc này, với hình dáng mở rộng dần, đại diện cho cách mà một ý tưởng có thể phát triển, mở ra những khả năng mới và tạo nên những giá trị bền vững qua thời gian.
Trong quá trình thiết kế tuần hoàn, mỗi bước trong vòng xoắn ốc này đều tượng trưng cho một giai đoạn quan trọng của chu kỳ sản phẩm - từ việc chọn nguyên liệu, sản xuất, tiêu thụ cho đến tái sử dụng hoặc tái chế. "Green Spiral" khuyến khích chúng mình không chỉ nghĩ về hiện tại mà còn phải luôn hướng về tương lai, đảm bảo rằng mỗi quyết định đều đóng góp vào một hệ sinh thái bền vững.
Câu hỏi tiếp theo đặt ra là, làm sao để mang Green spiral bước vào triển lãm? Làm sao để từng góc nhỏ, từng chi tiết khéo léo gài gắm hình ảnh vòng xoắn ốc này? Vậy là những bản phác thảo đầu tiên đã được tạo ra, với các vòng tròn đan xen, tạo cảm giác chuyển động liên tục. Từng đường nét được tinh chỉnh để không chỉ gợi cảm hứng mà còn phản ánh rõ triết lý tuần hoàn, như một lời mời gọi người xem suy ngẫm về mối liên kết giữa nghệ thuật, thiết kế và môi trường.
Booth triển lãm: Bền vững từ chi tiết nhỏ nhất
Khi ý tưởng đã được định hình, thử thách tiếp theo của đội ngũ là biến nó thành hiện thực – một hiện thực không chỉ đẹp mà còn “xanh” từ trong ra ngoài. Những gian hàng (booth) của triển lãm là minh chứng cho sự kết hợp giữa nguyên tắc Reduce – Reuse – Recycle và sự khéo léo trong thiết kế.
Mỗi gian hàng đại diện cho một doanh nghiệp, vừa làm nổi bật bản sắc thương hiệu riêng, vừa phải đồng bộ nhất quán với concept của toàn triển lãm. Mỗi gian hàng đều bao gồm bộ khung vải gồm 3 cột trụ, 4 thanh nối gỗ và vải căng. Bộ khung gỗ chắc chắn, những thanh nối linh hoạt, và bề mặt vải căng được kết hợp một cách tinh tế để tạo nên cấu trúc dễ lắp ráp, dễ tháo rời. Không hồ keo, không phụ liệu khó tái chế – mọi thứ đều được thiết kế để có thể tháo rời và sử dụng lại trong những sự kiện tương lai cũng như linh hoạt ứng dụng cho các nhu cầu khác nhau.
Thực hành bền vững không phải là điều dễ dàng. Hành trình sáng tạo của chúng mình cũng vấp phải nhiều thử thách. Có những ngày đội ngũ phải ngồi hàng giờ chỉ để thảo luận về độ dài của một thanh gỗ hay độ căng của lớp vải. Nhưng chính sự tỉ mỉ ấy đã tạo nên điểm nhấn khác biệt. Những chi tiết tưởng chừng nhỏ nhặt lại trở thành lời tuyên ngôn thầm lặng cho giá trị của thiết kế bền vững.
Giống như vòng xoắn ốc, hành trình của VAN•HOA là một chuỗi những vòng lặp sáng tạo không ngừng. Mỗi dự án lại mở ra một chân trời mới, một cơ hội mới để sáng tạo – nhưng lần này là sáng tạo vì môi trường, vì tương lai. Và như câu chuyện chúng mình đang kể tại triển lãm RMIT Alumni Green Business Showcase, điều tuyệt vời nhất không nằm ở điểm khởi đầu hay điểm kết thúc, mà ở chính hành trình tuần hoàn, không ngừng phát triển.
Comentários