top of page

Quốc huy việt nam - "Sử dụng hình ảnh nhớ để credit đúng tác giả"

Hôm nay, VAN•HOA sẽ kể bạn nghe một kỳ án “thiết kế thương hiệu" quốc gia những ngày đầu xây dựng đất nước, đã gây nhầm lần và hoang mang về bản quyền tác giả suốt hơn 5 thập kỳ dài.



Tuy năm 1945, Việt Nam đã giành được độc lập, xây dựng được bộ máy chính quyền… nhưng để có thể mở rộng quan hệ, khẳng định chủ quyền dân tộc với các quốc gia khác, việc có một “nhận diện thương hiệu” với các hình ảnh đặc trưng, mang theo các biểu tượng của dân tộc để thể hiện trên các ấn phẩm, văn bản và hoạt động truyền thông là thiết yếu. Chính vì thế mà những năm 1950, Bộ Ngoại Giao đã phát động cuộc thi sáng tác Quốc huy trên toàn quốc.


Thời điểm đó, có hơn 300 mẫu quốc huy tham gia lựa chọn, nhưng chỉ 15 mẫu của cùng tác giả Bùi Trang Chước được lựa chọn để trình Chính phủ và phê duyệt. Lúc bấy giờ, “client" có feedback chỉnh sửa trên bản mẫu được duyệt một chi tiết: “Cái đe là hình ảnh nền công nghiệp cá thể, nên dùng hình ảnh tượng trưng công nghiệp hiện đại”. Vì vậy, mẫu đã được chỉnh sửa, thay vì cái đe là một bánh xe công nghiệp bằng thép.


Tuy nhiên, việc sửa chữa hoàn thiện sau đó được giao cho hoạ sĩ Trần Văn Cẩn, do hoạ sĩ Bùi Trang Chước lúc đó lại được phân nhiệm vụ tuyệt mật của Chính phủ là phác thảo mẫu tiền giấy. Việc này gây ra nhầm lẫn suốt 50 năm rằng hoạ sĩ Trần Văn Cẩn là tác giả duy nhất của Quốc huy Việt Nam.


Vấn đề bản quyền sáng tác này đã được chính hoạ sĩ Bùi Trang Chước bày tỏ trong di bút của mình, ông viết: “Mẫu Quốc huy từ trang trí họa tiết đến nội dung bố cục trình bày hoàn toàn giống mẫu của tôi mà quá trình tôi đã làm từ năm 1953 đến đầu 1955 và đã được Trung ương sơ duyệt. Khi xem đến tên tác giả là Trần Văn Cẩn, điều đó đã làm cho tôi suy nghĩ thắc mắc vì nghĩ rằng nếu như mẫu Quốc huy này do sự đóng góp chung của tập thể họa sĩ mỗi người một phần tạo nên thì theo tôi: 1. Là không nêu tên ai cả vì đó không phải là việc riêng mà là vinh dự chung cho giới mỹ thuật. 2. Nên đề tên tác giả chủ yếu đã đóng góp xây dựng nên mẫu đó. Còn đã dựa vào mẫu của người khác thì từ đầu đến cuối chỉ có một việc là sửa chữa về chi tiết cho hoàn chỉnh mà đề tên riêng một tác giả thì vô hình chung đã phủ nhận bao công lao của người khác đã xây dựng nên. Điều đó là hết sức vô lý. Ngày 15 tháng 4 năm 1973, tôi có viết đơn lên Thủ tướng Phạm Văn Đồng về việc này. Nhưng không biết lá đơn của tôi có đến được tay Thủ tướng hay không?”


Mãi đến 12 năm sau ngày mất của hoạ sĩ Bùi Trang Chước, cuối cùng Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký văn bản công nhận ông là tác giả Quốc huy Việt Nam, kết thúc 50 năm tranh chấp về quyền tác giả.


Ngày nay, khi ngành Công nghiệp Sáng tạo ngày càng được công nhận rộng rãi, việc nhận diện đúng tác giả và bản quyền không chỉ là trân trọng công sức của người sáng tạo, mà còn giúp thúc đẩy các động lực đầu tư nâng cao chất lượng sáng tác nữa. Vậy nên các bạn của VAN•HOA ơi, có sử dụng hình ảnh cảm hứng từ nhau thì nhớ credit nguồn nha !

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comentários


bottom of page