Trong quá trình xây dựng concept và không gian cho RMIT Alumni Green Business Showcase 2024, VAN•HOA đã có dịp hợp tác cùng Trần Nguyễn Trung Tín – một nghệ sĩ quen thuộc với phong cách Tối Đa (Maximalism). Ở vai trò Cố vấn sáng tạo, Tín đã giúp mang tới nét thẩm mỹ hài hoà và tinh thần sáng tạo cho một triển lãm tập trung vào chủ để kinh doanh bền vững.
Dưới góc tiếp cận của Tín, không gian triển lãm không chỉ tôn lên tính chuyên nghiệp và sự bền vững của doanh nghiệp mà còn giữ được nét thanh thoát, tinh giản, và đậm dấu ấn sáng tạo. Một sự cân bằng tinh tế, rất riêng, rất “Tín”.
Thiết kế nằm ở đâu trong chu trình tuần hoàn?
Tuần hoàn không đơn giản là một vòng tròn khép kín, mà là mạng lưới kết nối linh hoạt giữa thiết kế, người dùng và doanh nghiệp. Tại triển lãm lần RMIT Alumni Green Business Showcase 2024, VAN•HOA đã trao đổi cùng Tín để áp dụng triết lý tuần hoàn theo phương pháp CIRCO trong các thiết kế, nhằm khởi tạo và thúc đẩy lối sống bền vững. Tuy nhiên, Tín cũng nhấn mạnh rằng thiết kế chỉ là điểm khởi đầu, còn vai trò của mỗi người là tiếp tục tái chế, tái sử dụng để hoàn thiện chu trình tuần hoàn này.
Tuy đã xác định rõ ràng “Sustainability” (Bền vững) là yếu tố tiên quyết, song việc triển khai sự sáng tạo cho bền vững như thế nào cũng là thử thách đối với các bên liên quan. Quan điểm cá nhân của anh là: “True Sustainability là đừng có tiêu thụ cái gì hết – nghĩa là hạn chế tạo ra những điều mới để tránh lãng phí tài nguyên”. Trong thiết kế và sáng tạo, điều này lại mang đến xung đột nội tại, vì công việc của người làm sáng tạo là luôn tạo ra những thứ mới. Tín cho rằng, từng lĩnh vực cần được thiết lập định nghĩa và cách tiếp cận bền vững riêng. Ví dụ, thời trang có thể hướng tới “slow fashion” để kéo dài tuổi thọ và giá trị sản phẩm thay vì sản xuất liên tục.
Trong triển lãm RMIT năm nay, một thách thức cho Tín là việc phải tạo ra tính đồng nhất cho 15 gian hàng, đồng thời giữ được dấu ấn riêng cho từng doanh nghiệp. Để thực hiện, Tín chọn các chất liệu thô như gỗ và vải – thân thiện với môi trường và có tính ứng dụng lâu dài, giúp mỗi gian hàng vừa thể hiện dấu ấn thương hiệu, vừa hài hòa trong tổng thể triển lãm.
Nguồn cảm hứng mới cho thiết kế sáng tạo
Trả lời về sự hoà hợp giữa bền vững và sáng tạo, Tín tin rằng bền vững không kìm hãm sáng tạo mà thay vào đó tạo ra khung tiêu chí rõ ràng, giúp định hình cách các nhà thiết kế tiếp cận vấn đề. Với các tiêu chí “Reuse - Reduce - Recycle”, các gian hàng tại triển lãm được thiết kế để có thể tháo lắp dễ dàng, tái sử dụng mà không cần hồ keo. Điều này không chỉ giúp linh hoạt trong sử dụng lâu dài mà còn hạn chế tối đa việc tạo ra rác thải.
Không chỉ đưa ra bộ khung tiêu chí, tính bền vững còn tạo ra một góc nhìn mới về thiết kế sáng tạo. Theo anh, sáng tạo không chỉ là tạo ra cái mới, mà còn là sáng tạo trong việc tận dụng, tái sử dụng và biến đổi công năng. Đây cũng là cách để sáng tạo trở nên thú vị hơn khi người thiết kế phải làm việc với những vật liệu quen thuộc đồng thời phải biến hóa chúng trong các bối cảnh mới.
Sáng tạo bền vững là không tạo ra cái mới, mà tái chế và làm mới những gì đã có, đặt chúng vào ngữ cảnh mới để giải quyết vấn đề.
Thiết kế tuần hoàn yêu cầu sản phẩm không chỉ mang tính linh hoạt mà còn phải hợp thẩm mỹ và phù hợp trong nhiều ngữ cảnh sử dụng khác nhau. Bền vững, do đó, mở ra những giới hạn mang tính khuyến khích, để các nhà thiết kế tìm ra hướng đi mới khi họ không ngừng đánh giá giá trị vật thể hay phi vật thể mà sản phẩm mang lại.
Sự cân bằng trong nghệ thuật của Tinsideout
Nghệ danh Tinsideout của Trần Nguyễn Trung Tín xuất phát từ tên trang web cá nhân của anh, ngụ ý rằng việc nhìn vào thành quả sáng tạo của một người sẽ cho thấy được suy nghĩ của họ, giúp người ngoài hiểu về họ hơn. Trong công việc sáng tạo, sự kết hợp giữa văn hóa truyền thống và đương đại chính là chất liệu cuốn hút anh nhất.
Cách tiếp cận của anh cơ bản là 2 yếu tố đối chọi với nhau, đặt cái cũ vào trong một ngữ cảnh mới. Vừa đưa vào một cái truyền thống, vừa đưa vào một cái hiện đại để phá ra khỏi cái truyền thống đó đi.
Với Tín, chất riêng của người nghệ sĩ không nằm ở nét vẽ, mà là ở cách tiếp cận vấn đề. Anh luôn kết hợp các yếu tố đối lập, đặt cái cũ trong bối cảnh mới, vừa thừa hưởng, vừa phong phú hóa nét truyền thống với bối cảnh hiện đại. Chính lối tiếp cận này mang dấu ấn sáng tạo riêng cho vai trò Creative Team Leader tại Runam, nơi anh liên tục đan xen yếu tố cổ điển và hiện đại, đặc biệt qua các dự án Trung thu – sử dụng những hình ảnh dân gian như chuồn chuồn, bọ ngựa, tôm, thỏ thay vì những biểu tượng quen thuộc.
Tại triển lãm RMIT Alumni Green Business Showcase 2024, vai trò của Tín có đôi chút khác biệt so với các dự án sáng tạo trước đây. Lần này, anh tập trung vào việc trưng bày và bố trí không gian triển lãm, với mục tiêu chính là tôn vinh các đơn vị tham gia vốn đã mang đến nhiều hình ảnh, vật phẩm, và thông tin giá trị.
Để tạo “khoảng thở” trong thị giác và đảm bảo đồng bộ giao diện toàn triển lãm, Tín chủ động giữ cho phần thiết kế trưng bày không phức tạp hay lấn át. Nguyên tắc này không chỉ hỗ trợ việc tổ chức và kết nối giữa các gian hàng mà còn thể hiện sự linh hoạt trong cách giải quyết vấn đề dựa trên yêu cầu và bối cảnh cụ thể. Sự cân bằng giữa các yếu tố thị giác mới là đích đến cuối cùng của anh, hơn cả câu chuyện “tối giản” hay “tối đa” trong sáng tạo.
Hy vọng trong hành trình sắp tới, VAN•HOA sẽ có thêm cơ hội đồng hành cùng Trung Tín với những dự án mới, tiếp tục khám phá những góc nhìn sáng tạo mới mẻ và ý nghĩa.
*Nguồn ảnh: Trần Nguyễn Trung Tín
Comments